2024-11-13 01:57:52
Tổng hợp kỹ năng, các yếu tố cần thiết để trở thành một nhân viên kinh doanh xuất sắc
Bất kỳ công ty nào cũng có bộ phận kinh doanh, đây được xem là bộ phận cốt lõi, tác động mạnh mẽ đến khả năng phát triển và tồn tại của doanh nghiệp. Với vị trí này, bất kỳ ai cũng có thể làm được, tuy nhiên để trở thành một nhân sự giỏi bạn cẩn đảm bảo đủ các tố chất và năng lực cần thiết. Dưới đây, Đức Tín Group sẽ cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng và cần thiết để tạo nền tảng giúp bạn trở thành một nhân viên kinh doanh xuất sắc.
1. Nhân viên kinh doanh là gì?
Nhân viên kinh doanh hay còn được gọi với tên gọi là nhân viên sales là người đảm nhận các công việc liên quan đến việc bán hàng, duy trì và phát triển mối quan hệ khách hàng nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Nói một cách đơn giản, đây là những người trực tiếp giao tiếp với khách hàng, thuyết phục họ mua sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty.
2. Công việc của nhân viên kinh doanh là làm gì?
Để hiểu rõ hơn tại sao vị trí nhân viên bán hàng lại quan trọng trong doanh nghiệp, bạn cần hiểu rõ công việc của nhân viên kinh doanh làm gì? Dưới đây là mô tả công việc nhân viên kinh doanh thường làm:
Tìm kiếm và khai thác khách hàng
Nhân viên kinh doanh có nhiệm vụ xây dựng danh sách các khách hàng tiềm năng của riêng mình qua nhiều kênh khác nhau như: mạng xã hội, sự kiện, giới thiệu,...Từ đó, họ sẽ tiến hành làm quen, xây dựng mối quan hệ thân thiết để liên hệ, giới thiệu về sản phẩm/ dịch vụ và thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Tư vấn và bán hàng
Yêu cầu bắt buộc của nhân viên kinh doanh là phải hiểu rõ sản phẩm/ dịch vụ của công ty để từ đó tư vấn cho khách hàng một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Ngoài ra, họ cũng đảm nhận vai trò là người giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng về sản phẩm, và là người đề xuất những giải pháp phù hợp nhất với nhu cầu từ đó thuyết phục và chốt đơn hàng.
Tư vấn bán hàng là công việc hàng ngày của nhân viên kinh doanh
Duy trì mối quan hệ gần gũi với khách hàng
Bán hàng là quá trình lâu dài, do đó, việc duy trì mối quan hệ với khách hàng sau khi đã bán hàng là vô cùng quan trọng và cần thiết. Việc chăm sóc khách hàng sau bán hàng sẽ tạo sự tin tưởng để khách hàng quay lại và giới thiệu thêm nhiều khách hàng mới cho bạn.
Báo cáo và phân tích
Nhân viên kinh doanh cần lập báo cáo bán hàng, đánh giá hiệu quả công việc, phân tích dữ liệu khách hàng để cải thiện chiến lược bán hàng. Các báo cáo này sẽ giúp ban lãnh đạo đưa ra quyết định và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
Đo lường và theo dõi các chỉ số bán hàng và thông tin thị trường là công việc và nhân viên bán hàng nên biết
3. Nhân viên kinh doanh được áp những KPI gì?
Vị trí nhân viên kinh doanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, chính vì thế việc áp dụng KPI là vô cùng cần thiết. Các KPI này thường bao gồm những chỉ số định lượng liên quan đến doanh số, khách hàng và hiệu quả công việc. Dưới đây là một số KPI phổ biến dành cho nhân viên kinh doanh:
- Doanh số bán hàng: Đây là chỉ số quan trọng nhất, đo lường tổng giá trị doanh thu mà nhân viên kinh doanh mang lại trong một khoảng thời gian nhất định (theo tháng, quý hoặc năm).
- Số lượng khách hàng mới: KPI dùng để đo lượng khả năng mở rộng thị trường và mối quan hệ của nhân sự thông qua số lượng khách hàng mà họ đã tiếp cận và chuyển đổi thành công.
- Tỷ lệ chốt đơn hàng: Chỉ số này dùng để đo lường số lượng khách hàng tiềm năng được chuyển đổi thành khách hàng thực sự. Thông qua các con số này nhân viên kinh doanh sẽ thể hiện được kiến thức chuyên môn, khả năng thuyết phục, đàm phán và chất lượng tư vấn của nhân viên.
- Giá trị đơn hàng trung bình: Giá trị trung bình của mỗi đơn hàng đo lường khả năng gia tăng doanh thu từ mỗi khách hàng và thể hiện được khả năng kích sale của nhân sự.
- Số lượng cuộc gọi/tương tác với khách hàng: KPI này đánh giá cường độ làm việc và sự chủ động của nhân viên trong việc tiếp cận khách hàng qua các kênh như điện thoại, email, hoặc gặp gỡ trực tiếp.
- Tỷ lệ duy trì khách hàng: Chỉ số này đo lường khả năng giữ chân khách hàng hiện tại. Nó cho thấy mức độ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ và sản phẩm của công ty và chất lượng chăm sóc của nhân viên.
- Số lượng khách hàng quay lại: Chỉ số này đánh giá tỷ lệ khách hàng đã từng mua hàng tiếp tục quay lại để mua thêm, cho thấy mức độ hài lòng, sự trung thành và khả năng chăm sóc khách hàng cũ tốt của nhân sự.
KPI của nhân viên kinh có thể được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố khác nhau
Xem thêm:
- ICT là gì? Tác động của ICT đối với con người trong thời đại 4.0
- Agenda là gì? 6 bước xây dựng và lưu ý khi triển khai
4. Cần những kỹ năng, năng lực gì để trở thành một nhân viên kinh doanh
Tùy vào đặc thù từng ngành, từng sản phẩm mà vị trí nhân viên kinh doanh sẽ có những yêu cầu riêng. Tuy nhiên, để trở thành một nhân viên giỏi, mang lại nguồn doanh thu khổng lồ cho công ty, bạn cần có những yếu tố, kỹ năng sau:
Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp hiệu quả là nền tảng để thu hút và thuyết phục khách hàng. Nhân viên kinh doanh cần biết cách lắng nghe, trình bày rõ ràng và tự tin, giúp khách hàng hiểu được giá trị sản phẩm hoặc dịch vụ.
Kỹ năng giao tiếp giỏi còn được thể hiện việc bạn nắm bắt tâm lý khách hàng một cách khéo léo qua cách hiểu rõ mong muốn, sở thích, thói quen của khách hàng. Từ đó, bạn có thể dễ dàng đưa ra những câu hỏi đúng lúc, đúng chỗ và cung cấp những câu trả lời có thể giúp khách hàng “gãi đúng chỗ ngứa” của mình.
Kỹ năng thuyết phục và đàm phán
Kỹ năng thuyết phục là chìa khóa giúp nhân viên kinh doanh chốt đơn hàng, không chỉ qua việc trình bày lợi ích sản phẩm mà còn khéo léo khơi gợi mong muốn và nhu cầu của khách hàng, kích thích họ mua hàng. Kết hợp với khả năng đàm phán, nhân viên có thể đạt thỏa thuận tối ưu, vừa bảo vệ lợi ích doanh nghiệp vừa làm hài lòng khách hàng, tạo nền tảng cho mối quan hệ bền vững.
Kỹ năng đàm phán, thuyết phục sẽ quyết định đến khả năng chốt đơn của bạn
Hiểu thông tin, chất lượng sản phẩm/ dịch vụ
Sự hiểu biết về sản phẩm/ dịch vụ mà mình đang bán là yếu tố tiên quyết mà nhân viên kinh doanh cần đáp ứng. Các kiến thức này sẽ giúp bạn có thể tư vấn chính xác, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, bạn cũng cần có những hiểu biết về thị trường và đối thủ của mình để đưa ra những chiến lược bán hàng hiệu quả hơn.
Kỹ năng mở rộng và duy trì các mối quan hệ
Duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng là chìa khóa tạo nên sự tin tưởng và sự trung thành của khách hàng, đồng thời mở ra nhiều cơ hội bán hàng mới. Kỹ năng này giúp nhân viên kinh doanh có được khách hàng quay lại và giới thiệu thêm khách hàng mới.
Tư duy phân tích và nhạy bén với số liệu
Kỹ năng phân tích giúp nhân viên kinh doanh nắm bắt và đánh giá thông tin, xu hướng thị trường, từ đó điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp. Khả năng nhạy bén với số liệu còn giúp họ theo dõi KPI và hiệu quả công việc.
Kỹ năng quản lý thời gian
Với khối lượng công việc đa dạng, quản lý thời gian hiệu quả giúp nhân viên kinh doanh sắp xếp công việc, ưu tiên nhiệm vụ quan trọng và hoàn thành mục tiêu đề ra mà không gây căng thẳng.
Kỹ năng duy trì ổn định, kiên trì và chịu áp lực
Môi trường kinh doanh thường có áp lực về doanh số và thời hạn. Khả năng chịu đựng áp lực và kiên trì giúp nhân viên kinh doanh đối mặt với khó khăn, thất bại và tiếp tục nỗ lực để đạt được kết quả.
Khả năng áp dụng các công cụ hỗ trợ hiệu quả
Nắm vững các công cụ hỗ trợ bán hàng như CRM (Customer Relationship Management), phân tích dữ liệu và các ứng dụng giao tiếp trực tuyến sẽ giúp tối ưu hóa quy trình làm việc và tăng hiệu quả bán hàng.
Việc hiểu các chỉ số và áp dụng các công nghệ vào quá trình bán hàng là vô cùng cần thiết
5. Các tiêu chí giúp bạn đánh giá chất lượng nhân viên kinh doanh
Vị trí nhân viên kinh doanh trong một doanh nghiệp thường có rất nhiều nhân sự. Song không phải ai cũng là một nhân viên giỏi, tiềm năng. Để đánh giá một nhân viên viên kinh doanh giỏi thường dựa trên các tiêu chí sau:
Hiệu quả công việc
Hiệu quả công việc thường được đánh giá dựa trên các tiêu chí, số liệu thực tế mà nhân sự đạt được như:
- Doanh số: Đây là tiêu chí quan trọng nhất, phản ánh trực tiếp khả năng bán hàng và đóng góp vào doanh thu chung của công ty.
- Số lượng khách hàng: Khả năng tìm kiếm và phát triển khách hàng mới.
- Giá trị đơn hàng trung bình: Khả năng bán được những sản phẩm/dịch vụ có giá trị cao.
- Tỷ lệ chốt đơn hàng: Khả năng thuyết phục khách hàng mua hàng thành công.
- Tỷ lệ khách hàng quay lại: Khả năng duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Thái độ và năng lực làm việc:
Một nhân viên kinh doanh tốt, giỏi không chỉ được thể hiện thông quá hiệu quả công việc, chỉ số KPI họ đạt được mà còn được thể hiện thông qua năng lực và thái độ làm việc hàng ngày. Cụ thể:
- Kiến thức sản phẩm: Hiểu biết sâu rộng về sản phẩm/dịch vụ của công ty.
- Kỹ năng giao tiếp: Có khả năng ăn nói khéo léo, tinh tế, thu hút khách hàng
- Khả năng giải quyết vấn đề: Khả năng xử lý các tình huống phát sinh một cách nhanh chóng và hiệu quả.
- Chủ động: Luôn chủ động tìm kiếm cơ hội và giải quyết công việc.
- Trung thực, chịu trách nhiệm với công việc: Luôn trung thực trong công việc và các mối quan hệ, đồng thời chịu trách nhiệm với các công việc được giao một cách tận tâm, hết mình.
- Tự tin, nhiệt tình: Là một vị trí thường xuyên gặp khách hàng, sự tự tin, nhiệt tình, năng lượng tích cực là vô cùng cần thiết. Các yếu tố này giúp bạn luôn giữ được nhiệt huyết với công việc và khách hàng.
- Kiên trì và không ngại khó khăn: Yếu tố này sẽ giúp bạn vượt qua được nhưng giai đoạn khó khăn trong công việc
Nhân viên kinh doanh là vị trí quan trọng trong một doanh nghiệp, đại diện cho chính tổ chức mang sản phẩm đến gần hơn với khách hàng. Do đó, việc hiểu rõ công việc và trang bị những kỹ năng, những yếu tố cần thiết sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả, năng suất và từ đó có thể tự xây dựng một lộ trình thăng tiến hiệu quả và bền vững cho chính mình.
Các tin liên quan