2025-01-15 08:18:52

Lạm phát là gì? Ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế

Lạm phát là một trong những vấn đề kinh tế quan trọng và phổ biến nhất trong cuộc sống hiện đại. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm lạm phát là gì, các loại lạm phát, nguyên nhân gây ra lạm phát, tác động và cách kiểm soát lạm phát hiệu quả.

1. Lạm phát là gì?

Lạm phát là sự tăng giá chung và liên tục của hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Khi lạm phát xảy ra, giá cả tăng lên và giá trị của đồng tiền giảm xuống, dẫn đến việc bạn phải chi nhiều tiền hơn để mua cùng một lượng hàng hóa hoặc dịch vụ.

Một ví dụ để bạn hiểu rõ hơn về lạm phát là gì như: Bạn cần chi 100.000 VNĐ để mua một sản phẩm mà năm trước chỉ cần 90.000 VNĐ. Điều này là dấu hiệu của lạm phát.

Lạm phát tiếng Anh là gì - inflation - chỉ sự tăng giá liên tục của hàng hóa dịch vụ

Lạm phát tiếng Anh là gì - inflation - chỉ sự tăng giá liên tục của hàng hóa dịch vụ

2. Phân loại lạm phát

Lạm phát được phân loại theo mức độ (quy mô) của tỷ lệ lạm phát và nguyên nhân gây ra lạm phát.

2.1. Phân loại lạm phát theo quy mô của tỷ lệ lạm phát

Cụ thể, nếu phân theo quy mô của tỷ lệ lạm phát, lạm phát được thành 3 loại:

Lạm phát vừa phải

Hay được gọi là lạm phát một số, chính là lạm phát với tỷ lệ lạm phát dưới 10%/ năm. Đây là lạm phát bình thường của nền kinh tế và ít gây ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế.

Lạm phát phi mã

Là loại lạm phát với tỷ lệ lạm phát lên tới hai hoặc ba con số trong một năm. Như vậy, tốc độ tăng giá khá nhanh, đồng nghĩa với đồng tiền bị mất giá cũng nhanh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Siêu lạm phát

Siêu lạm phát là gì được định nghĩa là loại lạm phát xảy ra khi tỷ lệ lạm phát tăng đột biến với tốc độ vượt xa của lạm phát phi mã, từ 3 đến bốn con số trở lên. Siêu lạm phát gây ra những tác động vô cùng nghiêm trọng tới nền kinh tế.

Giải thích thêm: Tỷ lệ lạm phát là gì? Tỷ lệ lạm phát chỉ tốc độ tăng giá mặt bằng giá của nền kinh tế và được tính bằng cách so  sánh mức giá chung của hàng hóa hay dịch vụ trong nền kinh tế qua những thời kỳ khác nhau.

2.2. Phân loại lạm phát theo theo nguyên nhân 

Lạm phát được chia làm 4 loại

  • Lạm phát cầu kéo: Là lạm phát xuất phát từ phía cầu
  • Lạm phát chi phí đẩy: Là lạm phát xuất phát từ phía cung
  • Lạm phát dự kiến: Là lạm phát ì, tức giá cả tăng theo một tỉ lệ nhất định và có thể dự đoán trước được mức độ.
  • Lạm phát do tiền.

3. Nguyên nhân khiến lạm phát bùng nổ là gì?

Hiểu rõ nguyên nhân giúp chúng ta kiểm soát và ứng phó với lạm phát tốt hơn. Vậy các nguyên nhân chính của lạm phát là gì?

Lạm phát do cầu kéo

Khi nhu cầu hàng hóa và dịch vụ vượt quá khả năng cung ứng, giá cả tăng lên, dẫn đến lạm phát. Cụ thể, sự tăng đột biến trong cầu tiêu dùng của gia đình, cầu tăng lên do đầu tư, cầu tăng do chi tiêu chính phủ, cầu tăng do xuất khẩu ròng.

Đồ thị minh họa cho lạm phát do chi phí đẩy

Đồ thị minh họa cho lạm phát do cầu kéo

Lạm phát do chi phí đẩy

Khi chi phí sản xuất (nguyên liệu, lao động) tăng, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán để bù đắp chi phí. Tổng cung có thể giảm do số lượng và chất lượng lao động giảm, suy giảm về trình độ công nghệ. Do đó, sản lượng giảm và lạm phát tăng.

Đồ thị minh họa cho lạm phát do chi phí đẩy

Đồ thị minh họa cho lạm phát do chi phí đẩy

Lạm phát dự kiến

Lạm phát dự kiến hay còn được gọi là lạm phát ì, lạm phát quán tính. Lạm phát dự kiến là loại lạm phát hiện tại mà người dân dự kiến sẽ tăng trong tương lai. Do đó, họ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, tạo áp lực tăng giá ngay từ hiện tại.

Lạm phát tiền tệ

Khi lượng tiền được phát hành quá nhiều trong lưu thông, cụ thể tăng cao hơn so với lượng hàng hóa và dịch vụ. Điều này làm giá trị tiền tệ giảm, hay sức mua của đồng tiền giảm và gây ra lạm phát.

Đọc thêm: GDP là gì? GDP có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế?

4. Ảnh hưởng của lạm phát đến kinh tế và đời sống

Lạm phát ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, từ thu nhập cá nhân đến nền kinh tế quốc gia. Vậy tác động cụ thể của lạm phát là gì?

4.1. Tác động tích cực

Nếu cá nhân có tài sản hữu hình như bất động sản, nhà cửa, máy móc,... được định giá bằng đồng nội tệ thì lạm phát có thể làm tăng giá tài sản hữu hình lên. Do đó, cá nhân sở hữu tài sản đó sẽ bán được với giá cao hơn.

Nếu mức độ lạm phát vừa phải sẽ khuyến khích chi tiêu ở một mức nhất định thay vì tiết kiệm. Nếu sức mua của đồng tiền giảm dần theo thời gian thì thay vì tiết kiệm, người dân sẽ chi tiều hơn.

Về phía nhà nước sẽ có thêm khả năng lựa chọn công cụ kích thích đầu tư ở những mảng kém ưu tiên bằng cách là mở ứng dụng, phân phối lại thu nhập và các nguồn lực trong xã hội.

Những tác động của lạm phát là gì?

Những tác động của lạm phát là gì?

4.2. Tác động tiêu cực

Ảnh hưởng tới lãi suất

Khi tỷ lệ lạm phát tăng cao, nếu muốn lãi suất ổn định và thực dương thì lãi suất danh nghĩa phải tăng lên theo tỷ lệ lạm phát. Điều này cũng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng là suy thoái kinh tế và gia tăng thất nghiệp.

Tác động đến thu nhập thực

Khi lạm phát tăng nhưng thu nhập danh nghĩa không đổi thì thu nhập thực tế của người lao động bị giảm xuống. Do chính sách thuế của nhà nước dựa trên cơ sở thu nhập danh nghĩa, do vậy những khoản lãi và lợi nhuận cũng bị giảm sút, từ đó thu nhập giảm.

Cuối cùng, người nghèo càng nghèo hơn, trong khi người giàu càng giàu lên. Tình trạng này gây ra bất ổn trong xã hội, xảy ra xung đột giữa người giàu và người nghèo.

Ảnh hưởng đến nợ quốc gia

Khi lạm phát tăng, chính phủ sẽ được lợi do đánh thuế thu nhập cá nhân của người dân. Tuy nhên, các khoản nợ nước ngoài sẽ trở nên khổng lồ hơn. Nguyên nhân do lạm phát làm cho tỷ giá hối đoái tăng và đồng nội tệ bị mất giá nhanh hơn đồng ngoại tệ.

5. Giải pháp kiềm chế và kiểm soát lạm phát

5.1. Giải pháp từ phía cầu

  • Giảm cầu bằng cách thực hiện chính sách tài khóa thu hẹp và tiền tệ thu hẹp hoặc sử dụng cả hai chính sách này cùng một lúc.
  • Bổ sung hỗ trợ thông qua chính sách thu nhập bằng cách thực hiện kiểm soát giá và lương.

5.2. Giải pháp từ phía cung

  • Thực hiện cắt giảm chi phí sản xuất hoặc tăng năng lực sản xuất như khuyến khích cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
  • Chính phủ cắt giảm một số loại thuế nhằm kích thích sản xuất, hoặc giảm bớt chi phí, kiểm soát lượng tiền,...
  • Kiểm soát để ổn định giá cả, đặc biệt các mặt hàng như xăng, dầu, điện và nước,...

6. Tình hình lạm phát Việt Nam năm 2024 và áp lực lạm phát năm 2025

6.1. Tình hình lạm phát Việt Nam năm 2024

Chính phủ và Thủ tướng chủ động chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Các biện pháp gồm đảm bảo lưu thông hàng hóa, giảm lãi suất vay, ổn định ngoại hối, thúc đẩy đầu tư công. Đồng thời, triển khai gói tín dụng hỗ trợ, giảm thuế và theo dõi sát giá cả thị trường.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra. Giá hàng hóa, dịch vụ không biến động bất thường, lạm phát năm 2024 được kiểm soát.

Tốc độ tăng CPI các tháng của năm năm 2023 và năm 2024 so với cùng kỳ năm trước

Tốc độ tăng CPI các tháng của năm năm 2023 và năm 2024 so với cùng kỳ năm trước

6.2. Các yếu tố có thể áp lực lạm phát năm 2025

Thế giới:

  • Tình hình xung đột quân sự căng thẳng giữa các quốc gia.
  • Cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.
  • Thời tiết cực đoan, tác động lớn đến nền kinh tế và xã hội toàn cầu.

Trong nước:

  • Chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất có thể tăng lên theo giá thế giới và bị tác động từ biến động tỷ giá. Điều này ảnh hưởng đến chi phí và giá thành sản phẩm.
  • Các dịch vụ như giá điện, học phí, giá dịch vụ công theo quy định của Nhà nước, tính đủ các yếu tố, chi phí sẽ tác động và làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2025.
  • Các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, thúc đẩy đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế tạo nên sức ép của mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không hợp lý.
  • Các tháng cuối năm, dịp Lễ Tết, thiên tai, dịch bệnh,... thường khiến giá lương thực, thực phẩm, đồ uống,... tăng, điều này khiến chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng sẽ tăng.

Qua bài viết của Đức Tín Group này, chúng ta đã tìm hiểu toàn diện về lạm phát là gì, từ khái niệm cơ bản, phân loại, nguyên nhân đến tác động đến giải pháp kiểm soát và ứng phó. Mặc dù lạm phát có cả mặt tích cực và tiêu cực nhưng nếu có biện pháp kiểm soát tốt sẽ giúp nền kinh tế phát triển và tăng trưởng.