2025-04-23 17:41:44

Khám phá Hà Nội dịp lễ 30/4 – 1/5: Hành trình lịch sử giữa lòng Thủ Đô ngàn năm văn hiến

Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 là cơ hội lý tưởng để mỗi người tạm gác lại guồng quay công việc và trở về với những giá trị cội nguồn. Và nếu bạn đang có mặt tại Thủ đô Hà Nội, hoặc chuẩn bị ghé thăm nơi đây, thì đừng bỏ lỡ một hành trình khám phá đầy ý nghĩa – nơi từng góc phố, con đường đều mang dấu ấn lịch sử dân tộc.

Với chỉ khoảng 500.000 đồng/người, bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm những địa danh thiêng liêng và sống lại những trang sử hào hùng của đất nước ngay tại lòng Hà Nội.

1. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hay Lăng Hồ Chủ tịch còn được gọi với tên thân thương là lăng Bác tọa lạc tại địa chỉ số 2 Hùng Vương, thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Công trình lăng Bác được xây dựng gồm 3 lớp, cao 21,6 mét và rộng 41,2 mét. Bên dưới là bậc thềm tam cấp dẫn lên kết cấu trung tâm với phòng di hài và những hành lang, cầu thang. Phần trên cùng là mái lăng được thiết kế theo hình tam cấp. Bên ngoài lăng được ốp đá granite xám, quanh bốn mặt là những hàng cột đá hoa cương vuông vức và ở giữa nổi bật dòng chữ “CHỦ TỊCH HỒ-CHÍ-MINH” bằng đá hồng có màu mận chín. Khu vực bên trong được làm bằng chất liệu đá xám và đỏ được đánh bóng. Khuôn viên quanh lăng trồng nhiều loài cây, hoa đặc trưng của các vùng miền trên cả nước.

Đây không chỉ là một công trình kiến trúc mang tầm vóc quốc gia mà còn là biểu tượng thiêng liêng gắn liền với lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Phía trước Lăng chính là Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945.

Lăng Chủ tịch là điểm đến đầu tiên trong mọi hành trình khám phá Thủ đô. Du khách đến đây thường mong muốn được một lần tận mắt nhìn thấy vị cha già dân tộc, người đã hy sinh cả đời mình cho nền độc lập tự do của đất nước. Đừng quên đến vào đúng giờ để kịp chứng kiến nghi lễ thượng cờ hoặc hạ cờ, một khoảnh khắc vô cùng trang nghiêm khiến ai cũng lặng người.

Giá vé tham quan: Miễn phí

2. Bảo tàng Hồ Chí Minh – Hành trình một con người, lịch sử một dân tộc

Ngay phía sau Lăng Bác là Bảo tàng Hồ Chí Minh – nơi lưu giữ hàng chục ngàn hiện vật quý giá về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Bác Hồ. Từ những vật dụng giản dị đời thường, đến những trang tài liệu lịch sử quý hiếm, không gian tại đây đưa người xem trở về với từng cột mốc lớn nhỏ trong hành trình cách mạng.

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Điểm đặc biệt của bảo tàng không chỉ nằm ở giá trị lịch sử mà còn là cách trưng bày hiện đại, trực quan, giúp người trẻ dễ tiếp cận và hiểu sâu hơn về Bác. Tòa nhà có 3 tầng

Bước vào sảnh tầng 1, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh được làm từ đồng thau ấn tượng. Ngay sau đó là không gian trưng bày hình ảnh và tư liệu về cuộc đời của Bác, cũng như các sự kiện quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và quá trình xây dựng đất nước theo di chúc của Người.

Tại tầng 2, các chủ đề của tầng 1 được mở rộng và đi sâu hơn về các chủ đề liên quan đến cuộc đấu tranh giành độc lập dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ. Phần trình bày tại đây thể hiện qua các tổ hợp không gian nghệ thuật. Mỗi tổ hợp được thiết kế phản ánh đặc điểm lịch sử của từng sự kiện và giai đoạn lịch sử và cuộc chiến của nhân dân Việt Nam. Các tổ hợp này kết nối với phần trình bày tiểu sử thông qua tác phẩm điêu khắc được gọi là "điểm nhấn xúc cảm tư tưởng", mô tả những chiến công xuất sắc của nhân dân Việt Nam. Đây là một không gian trưng bày sống động về mối liên kết chặt chẽ giữa Hồ Chí Minh và nhân dân tạo nên những chiến thắng đặc biệt.

Tầng 3 của Bảo tàng Hồ Chí Minh là không gian triểm lãm tập trung vào các sự kiện lịch sử thế giới từ giữa thế kỷ XIX đến nay.

Giá vé tham quan: Miễn phí với Người Việt Nam, khách nước ngoài giá vé 40.000 VNĐ/người.

3. Chùa Một Cột – Biểu tượng tâm linh độc đáo của Hà Nội

Chùa Một Cột hay còn gọi là Diên Hựu Tự, mang ý nghĩa đại diện cho đóa sen Phật Bà Quan Âm ban tặng vua Lý Thái Tông trong một giấc mộng kỳ lạ vào năm 1049. Theo ghi chép, vua Lý Thái Tông là một tín đồ của đạo Phật và phái Vô Ngôn Thông. Nhà vua mộng thấy Phật Bà Quan Âm ban cho ông một đóa sen tỏa sáng. Sau khi thức dậy, ngài đã thuật lại giấc mộng kỳ bí trên cho quần thần cùng nghe. Thiền tăng Thuyền Lã khuyên vua nên dựng một ngôi chùa để tưởng nhớ ân đức của Quan Âm.

Chùa Một Cột

Chùa Một Cột là công trình kiến trúc đỉnh cao với nghệ thuật thiết kế, điêu khắc, chạm gỗ và hội hoạ mang đậm tinh hoa văn hoá dân tộc. Năm 2012, chùa được vinh danh là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất tại Châu Á” theo ghi nhận của Tổ chức Kỷ lục Châu Á. Chùa Một Cột là một kiệt tác kiến trúc độc đáo, lấy cảm hứng từ hình ảnh một đóa hoa sen thanh khiết vươn lên từ mặt nước. Hoa sen – Quốc hoa của Việt Nam, biểu trưng cho sự cao quý, lòng nhân ái và tinh thần vươn lên mạnh mẽ – chính là hình ảnh trung tâm của công trình. Thiết kế này không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng triết lý sâu sắc của đạo Phật về sự thanh tịnh và giác ngộ.

Theo triết lý Phật giáo, kiến trúc Chùa Một Cột còn là biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa con người và vũ trụ. Ngôi chùa được xây dựng không chỉ để thờ Phật mà còn để biểu đạt tinh thần giác ngộ, như lời nhắc nhở về sự kiên trì vượt qua mọi khó khăn để đạt tới trạng thái thanh tịnh và bình an trong tâm hồn. Qua hàng thế kỷ, Chùa Một Cột vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ và trở thành một trong những biểu tượng văn hóa nổi bật nhất của Thủ đô Hà Nội.

Giá vé tham quan: Miễn phí với Người Việt Nam, khách nước ngoài giá vé 25.000 VNĐ/người.

4. Văn Miếu – Quốc Tử Giám: Cái nôi tri thức ngàn năm

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là ngôi trường đại học đầu tiên của nước ta, được xây dựng từ thế kỷ XI dưới thời vua Lý Nhân Tông. Ban đầu nơi đây được sử dụng để thờ Khổng Tử – vị thánh nhân của nền giáo dục phương Đông. Sau đó, nơi đây được dùng để đào tạo nhân tài đất nước và trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam, đặt tên là Quốc Tử Giám.

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Bước vào khuôn viên Văn Miếu là bước vào thế giới của chữ nghĩa, khoa bảng xưa, với những bia Tiến sĩ, Khuê Văn Các, hồ Văn, khu thờ Khổng Tử... Mỗi chi tiết kiến trúc đều là lời kể lặng lẽ về một thời vang bóng của học thuật và đạo lý.

Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là nơi thờ phụng các bậc thánh hiền và hiền tài của dân tộc mà còn là trung tâm giáo dục, khoa bảng đầu tiên của Việt Nam, là bằng chứng lịch sử về một nền văn hiến của dân tộc.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng là nơi khuyến khích học tập, thúc đẩy tinh thần hiếu học, trân trọng hiền tài, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền giáo dục quốc gia.

Cho đến hiện tại, Văn Miếu là nơi bảo tồn, lưu giữ các hiện vật văn hóa quý báu của cha ông. Nhiều triết lý, đạo học vẫn còn giá trị to lớn. Hình thức nghệ thuật viết thư pháp chữ Hán, hay kỹ thuật chạm khắc tinh xảo được thể hiện rõ qua những bia đá, các bức hoành phi…

Đây cũng là nơi chốn tâm linh của bao thế hệ học trò hiện đại. Trước những kỳ thi quan trọng, nhiều phụ huynh thường đưa con em đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để dâng hương với mong muốn đi thi thuận lợi, đỗ đạt điểm cao.

Giá vé tham quan: 70.000đ/người lớn | 35.000đ học sinh, sinh viên, người khuyết tật

5. Di tích Nhà tù Hỏa Lò – Dấu tích của thời khói lửa

Nhà tù Hỏa Lò, một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội, được người Pháp xây dựng từ năm 1896. Cái tên "Hỏa Lò" có nguồn gốc từ tên phố cổ nơi bán các đồ gốm sứ và bếp lò. Trong thời kỳ thực dân Pháp, đây là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Sau này, trong chiến tranh Việt Nam, nhà tù này được biết đến với cái tên "Hanoi Hilton", nơi giam giữ các phi công Mỹ bị bắn rơi.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Ngày nay, dù chỉ còn lại một phần nhỏ của công trình nguyên bản, nhà tù Hỏa Lò vẫn giữ được những dấu ấn lịch sử sâu sắc. Mỗi bức tường, mỗi phòng giam, thậm chí là từng chi tiết nhỏ như những bậc thang mòn, những ô cửa sắt han gỉ đều mang trong mình những câu chuyện đau thương nhưng đầy kiêu hãnh của lịch sử dân tộc.

Ấn tượng nhất là khu vực xà lim death row - nơi giam giữ các tù nhân chờ thi hành án tử hình. Không gian tối tăm, ẩm thấp cùng những dụng cụ tra tấn được trưng bày sẽ khiến bạn không khỏi rùng mình trước sự tàn khốc của chế độ thực dân. Tuy nhiên, chính nơi đây cũng chứng kiến tinh thần kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng.

Khu trưng bày về các phi công Mỹ mang đến góc nhìn đặc biệt về nhân đạo trong chiến tranh. Những vật dụng sinh hoạt, hình ảnh dokumentary cho thấy dù trong hoàn cảnh chiến tranh, con người vẫn có thể đối xử với nhau bằng sự tôn trọng và nhân văn.

Giá vé tham quan: 50.000đ/người lớn | Gảm giá 50% với sinh viên

6. Hồ Gươm – Viên ngọc sáng của Thủ đô Hà Nội

Hồ Hoàn Kiếm, hay còn gọi là hồ Gươm, không chỉ là một điểm đến du lịch nổi tiếng mà còn là biểu tượng trường tồn của Hà Nội. Gắn liền với truyền thuyết về vua Lê Lợi và thanh gươm thần, hồ Hoàn Kiếm đại diện cho tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và sự trường tồn của lịch sử Việt Nam.

Hồ Gươm là nơi tụ hội lý tưởng bốn mùa: rực rỡ trong sắc đào và các lễ hội truyền thống vào mùa xuân, khi đón những cơn gió mát xua tan oi bức của mùa hè, say đắm trong khung cảnh thơ mộng bên hàng liễu rủ của mùa thu hay vẻ đẹp mơ màng trong không khí lạnh giá khi mùa đông về.

Nằm trên gò đất trung tâm hồ, Tháp Rùa là điểm nhấn thu hút nhất ở Hồ Gươm. Được xây dựng từ những năm 1884, với lối kiến trúc Pháp kết hợp với kiến trúc phong kiến cổ xưa của Việt Nam, Tháp Rùa nổi lên giữa hồ cổ kính, rêu phong và đầy trầm mặc. Xung quanh hồ còn nhiều di tích nổi tiếng như Tháp Hòa Phong, Tháp Bút, Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu…

Giá vé tham quan: Miễn Phí

7. Cầu Long Biên – Cây cầu lịch sử trăm năm

Cầu Long Biên không chỉ là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, mà còn là biểu tượng sống động của một giai đoạn lịch sử oanh liệt. Nơi đây từng chứng kiến sự rút lui cuối cùng của quân đội viễn chinh Pháp khỏi Hà Nội, khép lại gần 100 năm đô hộ, đồng thời đánh dấu chiến thắng lẫy lừng của dân tộc trước chủ nghĩa thực dân.

Cầu Long Biên

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cây cầu này là tuyến huyết mạch chiến lược, nơi vận chuyển vũ khí, lương thực ra tiền tuyến. Dù bị bom đạn đánh phá hơn chục lần, mỗi nhịp cầu gãy đổ đều nhanh chóng được phục hồi – minh chứng cho tinh thần thép và ý chí bất khuất của người Việt Nam.

Cầu Long Biên không chỉ kết nối hai bờ sông Hồng, mà còn kết nối ký ức của cả một dân tộc. Đó là cây cầu của sự ra đi và trở về, của những mùa thu chiến thắng, và của một Hà Nội kiên cường – thủy chung – son sắt qua bao thăng trầm lịch sử.

Giá vé tham quan: Miễn Phí

8. Nhà Thờ Lớn Hà Nội – Vẻ đẹp Gothic giữa lòng Thủ đô

Nhà thờ Lớn Hà Nội tọa lạc tại số 40 Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, ngay ở điểm giao nhau của 3 con phố lớn là Nhà Thờ, Lý Quốc Sư và Nhà Chung. Nhà thờ Lớn có tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse, là nhà thờ Thiên Chúa Giáo có lịch sử lâu đời nhất ở Hà Nội. Đây là một công trình kiến trúc mang đậm hơi thở châu Âu với phong cách Gothic cổ kính. Được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, đây là nơi sinh hoạt tôn giáo quan trọng và là điểm đến “check-in” ưa thích của giới trẻ.

Nhà Thờ Lớn Hà Nội

Nhà thờ Lớn được mệnh danh là nhà thờ có thiết kế kiến trúc đẹp nhất tại Hà Nội. Nhà thờ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, là công trình tiêu biểu cho phong cách Gothic Châu Âu, mô phỏng theo kiến trúc nhà thờ Đức Bà Paris. Chiều rộng 21m, chiều dài 65m, có 2 tháp chuông cao gần 32m và được cố định bằng những trụ đá lớn.

Cây thánh giá bằng đá thiết kế tinh xảo là điểm nhấn lớn nhất khi đặt chân vào nhà thờ. Toàn bộ sàn được lát bằng gạch đất nung, tường trát giấy bổi tạo nên một không gian cổ kính và uy nghiêm. Những bức tường phủ rêu là minh chứng rõ nhất cho lịch sử trăm năm của nhà thờ này.

Cửa chính và cửa sổ ở Nhà thờ Lớn Hà Nội mang thiết kế hình vòm, cuốn nhọn đặc trưng của phong cách Gothic. Mái vòm cong cao vời vợi, điểm xuyết thêm ô cửa sổ tròn hình hoa càng làm cho không gian thêm phần tuyệt mỹ. Màu sắc trầm tương phản với những họa tiết, hình ảnh rất Việt Nam khiến cho phần lối đi trở nên sinh động hơn.

Không chỉ là nơi linh thiêng, nhà thờ còn là một minh chứng sống động về sự giao thoa giữa văn hóa Đông – Tây giữa lòng Hà Nội.

Giá vé tham quan: Miễn Phí

9. Nhà hát Lớn Hà Nội – Tinh hoa kiến trúc Pháp

Tọa lạc tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng từ năm 1901 và hoàn thành vào 1911. Nhà hát Lớn Hà Nội mang đậm phong cách kiến trúc tân cổ điển Pháp, lấy cảm hứng từ Nhà hát Opéra Garnier ở Paris. Công trình được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là Harlay và Broyer, với sự kết hợp giữa nét uy nghi, trang trọng và tinh tế của kiến trúc phương Tây thế kỷ 19.

Nhà hát Lớn Hà Nội

Bên cạnh đó, phần mái ngói của Nhà hát Lớn được lợp bằng loại gạch đá xanh truyền thống của Pháp, trang trí bằng các họa tiết đắp nổi mang phong cách Baroque tinh tế. Kết hợp với các cửa sổ lớn hình vòm, tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên bên trong.

Hội trường chính được thiết kế theo kiểu nhà hát châu Âu cổ điển với sức chứa hơn 600 người, nội thất trang trí bằng vàng ánh kim với các vật liệu nhập khẩu như đèn chùm pha lê, thảm đỏ, cùng hệ thống cửa gỗ và sàn lát đá cẩm thạch cao cấp.

Giá vé tour tham quan: 50.000đ/người (các chương trình nghệ thuật sẽ tính riêng)

Chỉ với 500.000 đồng, bạn đã có thể trải nghiệm một hành trình khám phá đậm chất văn hóa – lịch sử ngay giữa lòng Thủ đô. Mỗi địa điểm không chỉ là một công trình đẹp mà còn là nhân chứng sống động cho những trang sử hào hùng của dân tộc.

Hà Nội – với chiều sâu ngàn năm văn hiến – luôn biết cách làm trái tim ta rung động bằng chính sự trầm lắng, cổ kính và hào hùng của mình. Hãy lên lịch, chuẩn bị máy ảnh và để tâm hồn mình hòa cùng nhịp thở của Hà Nội trong những ngày tháng Tư rực rỡ.