Chọn tuổi xông đất (Gợi ý tuổi đẹp cho năm Ất Tỵ)
Xông đất là phong tục quan trọng, người được chọn để xông đất thường có tuổi hợp với gia chủ và mệnh của năm mới. Ví dụ, năm Ất Tỵ thuộc hành Hỏa, người xông đất nên có mệnh Thổ hoặc Hỏa, tính tình vui vẻ, khỏe mạnh, công việc thuận lợi. Điều này được xem như mang lại sự thịnh vượng và may mắn cho cả năm.
Du xuân hái lộc đầu năm
Tục hái lộc bắt nguồn từ truyền thuyết vua Hùng đi chơi xuân, hái cành lộc mang về với mục đích truyền điềm tốt lành cho con cháu. Trải qua mấy nghìn năm, nét đẹp này còn lưu truyền mãi mãi. Đến nay cứ sau giao thừa, người ta làm cuộc du xuân cầu cúng tìm may. Chọn được hướng đi xuất hành tốt, mọi người đến đền, chùa làm lễ.
Sau khi đến đình, chùa thắp hương đầu năm sẽ hái một nhánh cây non mang về treo trước nhà hoặc bày trên bàn thờ với hy vọng có thể đem phước lộc về cho gia đình. Khi hái xong thì niệm chú: "Xin lộc lấy may!" rồi mới ngắt.
Tuy nhiên, ngày nay, tục lệ hái lộc nên đi kèm với việc bảo vệ thiên nhiên, tránh phá hoại cây cối. Một số người lựa chọn thay vì hái lộc có thể mua cây mía để thay thế.
Nói lời hay ý đẹp, giữ tinh thần vui vẻ, tích cực
Theo quan niệm dân gian, ngày đầu năm mới là thời khắc linh thiêng, mọi lời nói, hành động trong những ngày này sẽ ảnh hưởng đến cả năm. Vì vậy, gia đình thường dặn nhau nói những điều may mắn, tránh cãi cọ hay bàn chuyện không vui để giữ không khí Tết hòa thuận, rực rỡ niềm vui.
Chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên
Mâm cỗ cúng gia tiên thường gồm các món truyền thống như bánh chưng, gà luộc, xôi gấc, nem rán, canh măng... Mỗi món ăn đều mang ý nghĩa riêng, chẳng hạn: bánh chưng tượng trưng cho đất trời, xôi gấc mang lại may mắn, và gà luộc vàng óng, mềm mại hứa hẹn mang đến cho mỗi gia đình một năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và khởi đầu thuận lợi, vạn sự như ý. Đây là cách con cháu thể hiện lòng thành kính và tưởng nhớ tổ tiên.
Chúc Tết, lì xì may mắn
Lì xì ngày Tết là cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người. Đây là nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Tiền mừng tuổi thường được để trong phong bao màu đỏ, màu vàng, màu hồng bắt mắt. Đây cũng là dịp mà con cháu trong nhà chúc Tết đến ông bà, cha mẹ và nhận lì xì mừng tuổi.
Tục mừng tuổi có ý nghĩa vô cùng tốt đẹp thể hiện sự yêu trẻ, kính già và ước mong một năm mới thuận lợi, may mắn. Chính vì thế nên tục mừng tuổi được lưu truyền từ xưa đến nay và vẫn luôn là một trong những điều mong chờ nhất trong dịp Tết
Trẩy hội
Hội xuân thường bắt đầu từ mùng 5 đến mùng 10 Tết, điển hình như lễ hội đền Hùng (Phú Thọ), hội Lim (Bắc Ninh), hội chùa Hương (Hà Nội). Đây là dịp để người dân cầu an, tưởng nhớ công lao tổ tiên và tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, đua thuyền, đấu vật, làm phong phú thêm không khí Tết.
Mặc quần áo mới
Để chào đón năm mới, người Việt ta từ xưa đến nay có rất nhiều phong tục tập quán như sơn tường nhà mới, dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa quần áo mới... Những bộ trang phục chuẩn bị cho năm mới thường có màu sắc tươi sáng, hợp tuổi để đón chào vận may. Quần áo tươm tất thể hiện sự chỉn chu và tôn trọng đối với tổ tiên và những người xung quanh trong dịp lễ quan trọng nhất của năm.
Đầu năm mua muối cho năm mới may mắn
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” gắn với hai tập tục của người Việt trong năm mới, đó là vào những ngày đầu tiên của năm mới người Việt có thói quen mua một ít muối về nhà lấy may cho cả năm và vào những ngày cuối năm, người ta mua vôi về để quét lại nhà, tường, cổng cũng như tránh những điều không may.
Tắm lá mùi già (ngò) để xua tan vận xui
Tắm nước mùi già chiều cuối năm đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam từ xưa, đặc biệt là người miền Bắc. Việc tắm nước mùi được quan niệm là cách xua tan những xui xẻo, buồn phiền, khổ nhọc, vướng bận… trong năm cũ để chuẩn bị sẵn sàng đón một năm mới với những hy vọng tốt đẹp.
Vì thế, chiều 30 Tết bận rộn tới mấy rất nhiều người Việt đun nồi lá mùi già thật to, vừa để tắm rửa, vừa để xông nhà, tẩy rửa sạch những điều xấu, chuyện không hay, xui xẻo, của năm cũ, chuẩn bị đón năm mới sức khỏe bình an, may mắn, tài lộc...
Ăn những món ăn may mắn như Bánh Chưng, Xôi gấc...
Mâm cơm ngày Tết không thể thiếu những món ăn mang ý nghĩa may mắn:
Bánh chưng, bánh tét: Tượng trưng cho đất trời, sự no đủ.
Xôi gấc: Màu đỏ tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng.
Canh khổ qua: Mong muốn vượt qua khó khăn.
Dưa hành, thịt đông: Thể hiện sự hòa hợp, bình dị.